Các ngân hàng thực phẩm Montréal cầu cứu

Lạm phát ở khắp mọi nơi, ngay cả tại các ngân hàng thực phẩm. Hiện nay, một số người nói rằng họ không có đủ các mặt hàng không liên quan đến thực phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Marie Louisina Gedus là một trong số nhiều người phụ thuộc vào Multi Caf, một ngân hàng thực phẩm ở Côte-Des-Neiges/ Notre-Dame-De-Grâce kể từ khi bà và cậu con trai hai tuổi đến Montréal cách nay 9 tháng.
Bà Gedus nói: “Tôi đến đây để xin giúp đỡ. Tôi cần quần áo, thức ăn, tã lót cho con trai tôi, những thứ như thế”. Nhưng không có tã – chỉ có những chiếc quần dài, quá lớn đối với con trai bà.
Đó là một trong nhiều sản phẩm mà ngân hàng lương thực đang thiếu.
Andre Corbeil, Phó giám đốc của Multi Caf cho biết: “Có rất nhiều nhu cầu… về tã. Chúng tôi có rất nhiều gia đình đã đến trong năm nay … Sữa cho trẻ em cũng được yêu cầu, quần áo, rất nhiều thứ không liên quan đến thực phẩm”
Tình hình tương tự cũng xảy ra tại Grossesse-secours. Josiane Robert, Tổng giám đốc của Grossesse-secours cho biết: “Hiện tại, chúng tôi cần tã đủ kích cỡ và sữa. Mọi thứ đều đắt hơn, nhưng lương không tăng, vì vậy những người hưởng lương cũng cần được giúp đỡ khẩn cấp”. Bà nói thêm rằng nhiều người cảm thấy bị vắt kiệt vì lạm phát, tổ chức đang dần cạn hết nguồn lực của mình.
Mạng lưới ngân hàng thực phẩm của Québec nêu lên một loạt các yếu tố tạo thách thức cho việc đáp ứng nhu cầu đã tăng vọt kể từ năm 2019.
Theo Bilan-Faim năm 2022 (Báo cáo về nạn đói), mạng lưới này hiện giúp đỡ 671.000 người mỗi tháng, tăng 33% so với ba năm trước và 9% kể từ năm ngoái.
Chỉ trong một năm, số lượng yêu cầu yểm trợ lương thực hàng tháng đã tăng thêm 375.000, từ gần 1,9 triệu lên hơn 2,2 triệu – tăng 20%.
Martin Munger, giám đốc điều hành của mạng lưới ngân hàng thực phẩm Québec, nói những con số này có thể là ước tính thấp so với thực tế.
Khoảng 2/3 trong số hơn 1.200 cơ quan trong mạng lưới báo cáo hết lương thực trong năm qua.
Lạm phát cũng làm ảnh hưởng đến người đói, đặc biệt là đối với các gia đình có thu nhập cố định.
34% người nhận viện trợ lương thực là trẻ em; khoảng 40% những người tìm kiếm sự trợ giúp lương thực khẩn cấp là các gia đình có trẻ em (18% là các gia đình đơn thân và 24% là các gia đình có hai bố mẹ).
Munger cho biết: “Ảnh hưởng của lạm phát, ảnh hưởng của đại dịch, nó nằm ngoài khả năng của mạng lưới ngân hàng lương thực”.

Thiên Kim (Theo CTV)

Tin tức khác...