“Nếu anh từng có một ước mơ, nay là lúc biến nó thành sự thật.”
Richard Branson
Có tiền mua tiên cũng được.
Ông bà đã bảo thế. Nhưng có người cãi rằng không được.
Đừng cãi. Những người này chỉ chưa mua được. Họ chưa đủ tiền (Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền.)
Nhưng có nhiều tiền chưa đủ, mà còn phải tìm được nơi bán đường lên tiên trước đã.
Những người muốn lên tiên nay đã có chỗ mua. Đến những hai ba chỗ. Nhưng chỉ vài phút.
Tuần rồi, ông tỷ phú Ăng lê Richard Branson vừa đích thân thí nghiệm đường bay lên tiên của ông. Thí nghiệm của ông thành công lớn và ông hạ cánh an toàn.
Giá một vé trên cái gọi là “phi thuyền” của công ty Virgin Galactic mà Branson làm chủ ban đầu được đặt là 200 ngàn đô la, sau đó bị tăng, lên đến 250 ngàn và ngưng bán. Người ta tin rằng khi Virgin Galactic mở cửa lại quầy vé, giá vé sẽ bị nâng thêm.
Nhưng nói lên tiên thì hơi quá, vé của Virgin Galactic chỉ đưa bạn đến gần cổng trời để có vài phút “nhìn xuống thế gian cười”.
Virgin Galactic, giấc mơ của những thường nhân
Cái vé bay lên không gian của Virgin Galactic, 250 ngàn đô la, không phải là ít tiền. Nhưng cũng không phải là đắt nếu bạn nhìn lại những gì nhà tỷ phú Anh quốc 70 tuổi đó đã bỏ vào công ty này cho đến ngày nay, từ ước mơ, tiền bạc, công sức đến mạng người – cả cái mạng của ông trong chuyến bay thí nghiệm tuần trước.
Branson ham đi. Ông ta từng vượt Đại tây dương bằng xuồng máy (powerboat), thử đi vòng quanh Trái đất bằng khinh khí cầu. Thế nên khát vọng du lịch không gian không phải là một điều mới với nhà tỷ phú này.
Cho đến thập niên 1990, ngoài Chú Cuội của Việt Nam, chỉ có những phi hành gia trong các chương trình không gian của các chính phủ mới được cái đặc quyền lên trời. Điều này không công bằng. Nhà kỹ sư hàng không nổi tiếng Burt Rutan tự nhận mình là một trong số những người dân thường muốn được bay lên và nhìn thấy khung cảnh Trái đất từ không gian. Ông tự đặt cho mình một thử thách: thiết kế một chiếc phi cơ không gian – a spaceplane. Ông cũng hình dung rằng chuyến đi sẽ phải mang lại cảm giác như đang bay trên một phi cơ, thay vì trải nghiệm mạo hiểm hơn với việc được phóng lên bằng hỏa tiễn và rơi xuống đất bằng dù.
Kết quả của những nỗ lực của Rutan, một chiếc máy bay có tên SpaceShipOne ngày 21 tháng 6 năm 2004, đã đạt được một cột mốc lịch sử, thực hiện chuyến bay lên không gian đầu tiên của con người bằng tiền của tư nhân.
SpaceShipOne, dài 8,5m, bắt đầu phi vụ đó từ một đường băng ở sa mạc Mojave, California, được đeo dưới bụng của chiếc máy bay mẹ tên White Knight. Đến độ cao 14km, SpaceShipOne tách khỏi “tàu mẹ” của nó và khởi động động cơ hỏa tiễn của nó. SpaceShipOne và phi công thử nghiệm Mike Melvill sau đó lên cao dần, cuối cùng đạt độ cao hơn 100km – ranh giới chính thức của không gian, một chút xíu.
Melvill đã trải qua tình trạng vô trọng lực trước khi chiếc phi cơ quay trở lại bầu khí quyển. Trên đường đi xuống, SpaceShipOne đã thay đổi hình dạng đúng như thiết kế – sử dụng hệ thống “feathering” để tăng sức cản của không khí – trong khi duy trì sự ổn định của tàu. “Feathering” là hệ thống dựa theo hình dạng một quả cầu vũ cầu hình nón với phần đuôi là một lớp lông vũ.
Kỹ sư Rutan và hợp tác với tỷ phú Richard Branson thành lập The Spaceship Company, sử dụng công nghệ của công ty Scaled Composites mà Rutan làm chủ vào hoạt động kinh doanh du lịch không gian của Virgin Galactic. Vào thời điểm đó, Branson và Virgin Galactic đã lên kế hoạch đưa người 5 người lên không gian năm 2007 với dự án SpaceShipTwo.
Nhưng tháng 7 năm 2007, một vụ nổ khi đang thử nghiệm các thành phần của động cơ hỏa tiễn cho SpaceShipTwo làm thiệt mạng ba người, ba người khác bị thương nặng.
Vẫn còn xui, tháng 10 năm 2014, VSS Enterprise – tên mới của SpaceShipTwo đặt theo tên phi thuyền trong loạt phim giả tưởng StarTrek, cất cánh từ phi trường không gian Mojave đã nổ tung 11 giây sau khi được thả ra khỏi máy bay mẹ. Hai phi công một chết, một bị thương.
Sau các thất bại đó, đến tháng 12 năm 2018, chiếc phi cơ không gian sử dụng động cơ hỏa tiễn VSS Unity đã thực hiện chuyến bay vào không gian suborbital (dưới tốc độ quỹ đạo) đầu tiên của dự án SpaceShipTwo. Chuyến bay VSS Unity VP-03, với hai phi công, lên đến độ cao 82,7 km (51,4 mi) và chính thức đi vào không gian theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ
Đến năm 2019, Virgin Galactic trở thành công ty du lịch không gian đầu tiên phát hành cổ phiếu, và đến tháng 6 năm 2021 đã trở thành công ty đầu tiên được Cơ quan Quản trị Hàng không Liên bang (FAA) cấp giấy phép khai thác, có nghĩa là hãng có quyền chở khách.
Không lâu sau khi Richard Branson quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất vào Chủ nhật, ông và các nhân viên khác trong liên doanh Virgin Galactic của mình đã khoe rằng công ty sẽ mở rộng đáng kể cơ hội cho công chúng du hành vào không gian.
Hôm 10 tháng 7, khi ông được tặng huy hiệu đôi cánh phi hành gia sau chuyến bay, Branson hãnh diện tuyên bố: “Chúng tôi có mặt để làm cho không gian dễ đạt đến hơn cho tất cả mọi người.”
Nhưng không phải “tất cả mọi người”. Một ghế trên một trong những phi thuyền của Virgin Galacric ban đầu có giá 200.000 đô la, sau đó bị tăng lên 250.000 đô. Michael Colglazier, giám đốc điều hành của Virgin Galactic cho biết, khi công ty tiếp tục bán vé vào cuối năm nay, giá có thể sẽ tăng hơn nữa.
Tăng là phải, vì chủ hãng đã tự mình thí nghiệm để bảo đảm đi tới nơi về tới chốn an toàn.
Cần biết thêm rằng cái vé vài trăm ngàn đô Mỹ chỉ đem đến cho “phi hành gia” du khách một chuyến cưỡi ngựa (phi thuyền) xem hoa (Trái đất) và chừng 5 phút trong trạng thái nhẹ như lông hồng vô trọng lực.
Chương trình One Small Step, ghi tên và đặt cọc 1000 đô Mỹ, của Virgin Galactic để được đưa vào danh sách chờ thực hiện One Giant Leap, chuyến bay, đã vừa đóng cửa cách đây ít ngày. (Hai tên này mượn từ câu “It’s one small step for man, one giant leap for mankind” mả phi hành gia Mỹ Neil Armstrong thốt ra lúc 10:56 (ETR) ngày 10 tháng 7 năm 1969 khi ông đặt chân trái của mình xuống nền đất bụi của Mặt trăng. Chắc là hết chỗ.)
Theo Virgin Galactic, hơn 600 người từ 60 quốc gia đã đặt vé (thực ra, con số người đặt vé từ khi bắt đầu chào hàng với giá cũ 200 ngàn đô là trên 700, nhưng có một số lạnh cẳng đã trả vé.)
Đương nhiên họ phải là những người có nhiều tiền. Cả những người nhiều tiền và nổi tiếng. Báo chí đưa tin, nhưng Virgin Galactic không xác nhận vì lý do “quyền riêng tư”, trong số các khách hàng này có Tom Hanks, Brad Pitt, Angelina Jolie, Russell Brand, Lady Gaga, Katy Perry, Justin Bieber, và Ashton Kutcher.
Jeff Bezos và Blue Origin
“Được thấy Trái đất từ không gian, nó làm thay đổi anh, thay đổi quan hệ của anh với hành tinh này. Nó là một Trái đất. Tôi muốn đi trên chuyến bay này vì đó là một điểu mà tôi đã muốn suốt đời. Đó là một cuộc phiêu lưu…”
Jeff Bezos (viết trên Instagram)
Chắc chẳng có ai là không biết ông Jeff Bezos. Năm nay 57 tuổi, Chủ tịch đại công ty Amazon, người giàu nhất nhì hành tinh này, vừa ly dị vợ. Ông còn là người bị cựu TT Hoa kỳ Donald Trump ghét cay ghét đắng, lý do là dám giàu hơn, và không chừa một dịp nào để nói xấu ông ta qua tờ The Washington Post, một cơ quan thông tấn mà Bezos làm chủ.
Bezos cũng đổ rất nhiều tiền vào công ty Blue Origin, trụ sở chính tại Kent, Washington, một công cuộc nghiên cứu, chế tạo và sản xuất hỏa tiễn cùng phi thuyền được ông thành lập năm 2000. Cái tên Blue Origin mang ý nghĩa từ Trái đất màu xanh, với viễn kiến tạo điều kiện cho một tương lai nơi hàng triệu người sống và làm việc trong không gian để mang lại lợi ích cho Trái đất”. Bezos và công ty tin rằng không gian sẽ là nơi “để bảo tồn Trái đất, nhân loại sẽ cần mở rộng, khám phá, tìm kiếm các nguồn nguyên liệu và năng lượng mới, đồng thời chuyển các nkỹ nghệ gây căng thẳng cho Trái đất vào không gian”.
Bezos đã bán các cổ phiếu Amazon để bơm hàng tỷ đô la vào nỗ lực kể từ đó. Blue Origin – như Space X của Elon Musk, hiện đang đặt ưu tiên cho các công trình hỏa tiễn và tàu không gian có thể dùng lại nhiều lần để giảm chi phí liên quan đến phi thuyền.
Phần lớn nỗ lực của Blue Origin đã dành cho việc phát triển một cặp hỏa tiễn New Shepard và New Glenn.
New Shepard có thể mang 6 người trong một khoang tàu dưới lên không gian. Blue Origin đã thực hiện hàng chục chuyến bay thử nghiệm và họ vẫn đang lập kế hoạch cho một số thử nghiệm bổ sung trước khi ra mắt hành khách. Vì các trở ngại do Covid 19 gây ra, kế hoạch đưa người váo không gian đáng lẽ được thực hiện năm 2020 đã bị trì hoãn.
Công ty vừa thông báo rằng hãng sẽ sớm bắt đầu bán vé. Trang mạng của công ty không đưa ra giá của một chuyến đi Blue Origin, nhưng Bezos trước đây cho biết khách du lịch vũ trụ của họ có thể trả hàng trăm nghìn đô la để bay trong khoang New Shepard của họ.
Vào tháng 5 năm 2019, Jeff Bezos đã tiết lộ tầm nhìn của Blue Origin về không gian và cũng có kế hoạch cho một tàu đổ bộ mặt trăng được gọi là “Blue Moon”, sẽ sẵn sàng vào năm 2024. Hồi năm 2020, Nhóm nghiên cứu quốc gia của Blue Origin, bao gồm Lockheed Martin, Northrop Grumman và Draper, đã được trao 579 triệu đô la để phát triển một hệ thống hạ cánh tích hợp của con người trong chương trình Artemis của NASA để đưa con người trở lại Mặt trăng. Thế nhưng đến tháng 4 năm 2021, NASA đã trao toàn bộ công trình tàu đổ bộ mặt trăng Artemis cho SpaceX, đối thủ của Blue Origin.
Công ty cũng đang tăng tốc độ hoàn thiện hỏa tiễn New Glenn, một phương tiện phóng hạng nặng, có thể tái sử dụng mà Blue Origin đã đầu tư hơn 2,5 tỷ đô la để phát triển. Nó lớn hơn hỏa tiễn Falcon Heavy của SpaceX, nhưng nhỏ hơn hỏa tiễn sẽ được dùng rong chương trình Starship. Với kích thước đó, New Glenn có thể giúp thực hiện các chuyến đưa khách thường xuyên vào quỹ đạo và xa hơn nữa cho mục tiêu của Blue Origin là sẽ có hàng triệu người sống và làm việc trong không gian.
Bài này viết khi xong khi Bezos chưa bay, nhưng nếu mọi thứ xuôi chèo mát mái thì hôm 20 tháng 7, CEO của Amazon bay lên không gian trong khoảng 11 phút bằng hệ thống New Shepard của BlueOrigin. Đi cùng với Jeff là ông em 53 tuổi Mark Bezos, cũng là một triệu phú. Cùng chuyến đi còn có hai người Mỹ, một già một trẻ. Bà Wally Funk, người sẽ trở thành người già nhất bay trong không gian năm nay 82 tuổi. Bà từng được tuyển vào nhóm nữ phi hành gia dự bị Mercury 13 trong những ngày đầu của chương trình không gian.
Ngươi trẻ, anh thanh niên 18 tuổi Oliver Daemon gặp hên. Anh là con của người trả giá cao thứ hai, và được chọn vì vị khách vô danh đã trả cao nhất – 28 triệu đô la để bay trong chuyến này, đột nhiên xin hoãn đến một chuyến sau vì lý do “kẹt chuyện khác”. Deaemon sẽ là người trẻ nhất đi vào không gian.
Hệ thống New Shepard được đặt theo tên của phi hành gia Mercury Alan Shepard, người Mỹ đầu tiên lên không gian năm 1962. Nó cao khoảng 18 mét và được thiết kế để phóng hành khách vào không gian dưới quỹ đạo trong một giai đoạn “không trọng lượng” trong khoảng ba phút.
Tổng cộng thời gian của chuyến lên trời sẽ dài khoảng 11 phút, hỏa tiễn sau đó tự động quay trở lại bệ phóng, phi hành đoàn trở về Trái đất trong khoang tàu (capsule) dưới một những chiếc dù như kiểu các phi thuyền của Nga hay Mercury, Apollo ngày xưa.
Khoang tàu của New Shepard có sức chứa tối đa sáu người. Trong các chuyến bay, ngoài người đi chơi còn có thể có các nhà khoa học, Blue Origin hy vọng mai mốt sẽ có các công ty thuê các chuyến đi của họ để kiểm tra những tiến bộ trong sản xuất, vật lý hoặc sinh học, cùng những ý tưởng khác trong trạng thái vô trọng lực của những phút bay về.
Blue Origin cũng khoe khoang tàu của họ của họ ngon hơn VSSUnity ở chỗ có các cửa sổ lớn hơn giúp cho du khách chiêm nghiệm không gian rộng lớn và khung cảnh của hành tinh xanh.
Cũng nên biết thêm rằng giá vé chuyến bay đầu tiên với Bezos cao gấp nhiều lần vé bay trên các chuyến của Virgin Galactic. Cái vị khách bí mật vừa hoãn bay đã trả 28 triệu Mỹ kim qua đấu giá, cha cậu Oliver Daemon hình như trả 25 triệu.
Elon Musk và SpaceX
“Từ lần cuối cùng con người lên mặt trăng đến nay gần nửa thế kỷ đã trôi qua. Quá lâu rồi, chúng ta cần quay lại đó và lập một căn cứ lâu dài trên Mặt trăng – một lần nữa, như kiểu một căn cứ chiếm ngụ vĩnh viễn trên Mặt trăng. Và sau đó xây dựng một thành phố trên Hỏa tinh để trở thành một nền văn minh du hành vũ trụ, một giống loài đa hành tinh.” Elon Musk
Elon Musk là người trẻ nhất trong số 3 nhà tỷ phú muốn lên trời, nhưng thành tựu của ông ta trong lãnh vực khoa học kỹ thuật không nhỏ. Chẳng còn ai không biết đến những chiếc Tesla chạy điện lái hoàn toàn tự động của Musk.
Trong khi Tesla đi trên mặt đất theo chiều ngang thì SpaceX của Musk lo chuyện chiều dọc – từ mặt đất lên không gian. Musk đã còn đi xa hơn nữa, ông ta muốn đưa con người lên Hỏa tinh để “thuộc địa hóa” Hành tinh đỏ.
Space X, tên đầy đủ là Space Exploration Technologies Corp., là một tập đoàn sản xuất hàng không không gian, vận chuyển không gian và công ty truyền thông. Đặt trụ sở chính tại Hawthorne, California, SpaceX được thành lập năm 2002 với mục tiêu giảm chi phí vận chuyển trong không gian để có thể khai thác Hỏa tinh. SpaceX sản xuất các hỏa tiễn phóng Falcon 9 và Falcon Heavy, một số động cơ hỏa tiễn, tàu không gian Dragon vận chuyển hàng hóa và phi hành gia, và vệ tinh liên lạc Starlink.
Thành tựu của SpaceX bao gồm hỏa tiễn dùng nhiên liệu lỏng do tư nhân bỏ tiền ra làm đầu tiên lên quỹ đạo (Falcon 1 vào năm 2008), công ty tư nhân đầu tiên phóng, đưa lên quỹ đạo và thu hồi lại được tàu không gian (Dragon vào năm 2010), công ty tư nhân đầu tiên đưa phi thuyền tới Trạm không gian quốc tế ISS (Dragon vào năm 2012), lần đầu tiên cất cánh thẳng đứng và hạ cánh theo phương thẳng đứng cho hỏa tiễn quỹ đạo (Falcon 9 vào năm 2015), lần tái sử dụng hỏa tiễn quỹ đạo đầu tiên (Falcon 9 vào năm 2017) và là công ty tư nhân đầu tiên đưa các phi hành gia lên quỹ đạo và đến Trạm ISS (SpaceX Crew Dragon Demo-2 vào năm 2020). SpaceX đã bay và phóng lại loạt hỏa tiễn Falcon 9 hơn một trăm lần.
SpaceX đang phát triển Starlink, một chùm vệ tinh khổng lồ, để cung cấp dịch vụ Internet thương mại. Vào tháng 1 năm 2020, chùm vệ tinh Starlink đã trở thành chòm sao vệ tinh lớn nhất trên thế giới.
SpaceX cũng đang phát triển, sản xuất và thử nghiệm Starship, loại hỏa tiễn khổng lồ bằng thép không gỉ tại xưởng và sân bay của họ ở Boca Chica, Texas. Mục tiêu của Starship là đưa hàng hóa và con người lên Mặt trăng và Hỏa tinh. Các hỏa tiễn này sẽ là những con tàu khổng lồ với trọng tải lớn, có thể dùng lại hoàn toàn cho các chuyến bay liên hành tinh.
Các nguyên mẫu Starship hiện tại có chiều cao khoảng 150 feet, bằng chiều cao một tòa nhà 15 tầng, mỗi chiếc được trang bị ba động cơ Raptor.
Starship được dự định sẽ trở thành phương tiện bay quỹ đạo (orbital flight) chính của SpaceX sau khi hoạt động, thay thế cho phi đội Falcon 9, Falcon Heavy và Dragon hiện có. Theo kế hoạch, Starship sẽ ra mắt đầu thập niên 2020.
Nhưng SpaceX có bán vé du lịch không gian không?
Có đấy, SpaceX, trong khi đó, dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay “toàn dân dụng” đầu tiên của mình vào cuối năm nay. Trên tàu sẽ có phi công và tỷ phú doanh nghiệp công nghệ Jared Isaacman, người thành lập và CEO của công ty Shift4 Payments. Phi vụ mang tên Inspiration 4 với Isaacman là commander (chỉ huy). Phi vụ này sẽ dùng phi thuyền tự hành Crew Dragon, được hỏa tiễn Falcon 9 phóng lên khoảng giữa tháng 9 2021.
Trên tàu, ngoài ông Jared Isaacman còn có ba người nữa. Một người là bà Hayley Arcenereau, một phụ nữ vượt qua được bệnh ung thư xương, cũng là một nhân viên y tế tại Bệnh viện St.Jude Children’s ResearchHospital ở Tennessee. Người thứ hai sẽ được chọn qua cuộc thi kiểu Shark Tank dành cho các doanh gia sử dụng nền tảng Shift4Shop. Ghế thứ ba dành cho người trúng cuộc rút thăm được tổ chức để gây quỹ cho nhà thương St.Jude, ông Chris Sembroski, 41 tuổi, một nhân viên ngành hàng không vũ trụ khu vực Seattle và là cựu quân nhân Không quân Hoa Kỳ, đã được chọn thông qua rút thăm trúng thưởng thu hút 72.000 người nộp đơn và đã quyên góp được 113 triệu đô la Mỹ tại St. Jude. Ghế cuối cùng là ông Sian Proctor, 51 tuổi, giáo sư địa lý tại Đại học Cộng đồng South Mountain ở Phoenix, Ariz. Proctor từng là ứng cử viên phi hành gia của NASA. Ông đã được chọn qua một cuộc thi kinh doanh trên mạng do Shift4 Payments tổ chức.
SpaceX không công bố số tiền Jared Isaacman phải trả cho họ qua công ty Axiom Space nhưng chắc là không dưới vài chục triệu Mỹ kim.
Ngoài ra, có ba người đã trả 55 triệu đô la mỗi người cho công ty Axiom Space ở Houston để bay với tàu Crew Dragon của SpaceX lên Trạm vũ trụ quốc tế sớm nhất vào đầu năm 2022.
Và qua trung gian của công ty SpaceAdventures, tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa, nhà thiết kế thời trang và bán lẻ quần áo qua mạng cũng đã mua vé cho một chuyến bay Starship quanh Mặt trăng. Ông này bao nguyên chuyến và đang tuyền mộ một nhóm 8 nghệ sĩ đồng hành. Chuyến bay được dự tính cho năm 2023 sẽ kéo dài một tuần lễ. Ứng viên được chọn khắp thế giới. Bạn muốn dự? Xem điều kiện và ghi danh ở https://dearmoon.earth/.
Yusaku Maezawa sẽ là những người đầu tiên bay quanh Mặt trăng sau 50 năm tính từ năm 1972, ngày Apollo 17 hạ cánh xuống Nguyệt cầu. Ông Nhật bản cũng sẽ là du khách duy nhất đã lên không gian hai lần. Lần thứ nhất, ông bay lên Trạm ISS tháng 12 năm nay.
Họ có lên không gian chưa?
Khó mà không thấy điểm giống nhau giữa ba ông tỷ phú Branson, Musk và Bezos: cả ba đều dùng tiền họ gom góp được ở các lãnh vực kinh doanh khác để đổ vào các dự án không gian.
SpaceX của Elon Musk trong nhiều năm đã gây được tiếng vang lớn và phá kỷ lục với công nghệ hỏa tiễn của họ – và nó khác xa so với những gì Blue Origin đã làm hôm thứ Ba 20 tháng 7.
Trước hết, SpaceX chế tạo hỏa tiễn quỹ đạo (orbital rockets). Loại hỏa tiễn này cần phải có đủ lực để đạt tốc độ thấp nhất 17,000 miles một giờ, tốc độ quỹ đạo, để giúp cho một phi thuyền đủ năng lượng để tiếp tục bay quanh Trái đất thay vì bị trọng lực kéo tức khắc trở về mặt đất. Nhờ đó, SpaceX đã có thể đưa vệ tinh vào quỹ đạo hoặc chở các phi hành gia lên Trạm quốc tế ISS và trở về.
Các chuyến bay dưới quỹ đạo (suborbital) không cần phải có tốc độ nhanh như vậy mà chỉ cần đạt đến độ cao trên mốc 50 dặm (80 cây số). Đây là mức mà chính phủ Hoa Kỳ coi là đánh dấu rìa của không gian bên ngoài – hoặc mốc 62 dặm (100 cây số), theo quốc tế là đường phân định, biên giới không gian (demarcating line) hay Kármán line. Tàu New Shepard đạt hơn 62 dặm.
Theo tiêu chuẩn trên, chỉ có SpaceX là bay vào không gian. Còn Blue Origin chỉ bay đến rìa không gian và VSS Unity của Virgin Galactic còn mới mấp mé.
Blue Origin chọc quê Virgin Galactic trên bảng so sánh hai chuyến bay rằng chỉ có 4% thế giới chấp nhận 80 cây số là “không gian”, Blue Origin bay bằng hỏa tiễn có cửa sổ rộng, còn VSS Unity bằng máy bay và loại cửa sổ tí hon của các phi cơ thường.
Và Elon Musk trêu Jeff Bezos khi ông CEO khoe “Tôi lên không gian!” bằng câu trả lời, “Gần đâu đó thôi!”
Du lịch không gian
Nếu bạn thấy chuyến đi chơi tuần trước của Sir Richard, và chuyến ngày 20 tháng 7 của Jeff Bezos là hấp dẫn.
Nếu bạn có tiền, thật nhiều tiền “nhàn rỗi”, chẳng biết dùng vào việc gì, (không phải là loại tiền nhàn rỗi như thứ tiền mà chính phủ Cộng sản Việt Nam vừa hô hào dân chúng đóng góp để mua vaccine).
Bạn cũng có thể đi như họ, trước mắt là đi theo họ.
Branson và Bezos không phải chỉ ham vui bỏ tiền ra để lên trời một chuyến. Họ muốn – và đang bước vào lãnh vực “hàng không không gian dân dụng”, đưa việc lên không gian chơi trở thành một kỹ nghệ mới, “space tourist”.
Không phải mãi tới nay, trước Virgian Galactic và Blue Origin, đã có người bỏ tiền ra để lên trời chơi. Tuy nhiên, họ không đi bằng phương tiện tư nhân mà dùng phương tiện của nhà nước.
Cách đây hai chục năm ba tháng, một người Mỹ đã trở thành khách du lịch không gian đầu tiên. Và không như Branson, Bezos cùng với các khách hàng mới của hai người này sẽ chỉ lên tới bên dưới qũy đạo Trái đất rồi xuống, vị khách du lịch đầu tiên đó còn bay quanh Trái đất trong 7 ngày.
Ông Dennis Tito giàu, rất giàu, tuy không giàu bằng Branson và Bezos, và món tiền vé của ông không nhỏ.
Chiếc vé du lịch không gian đầu tiên đó là 20 triệu Mỹ kim – ước chừng trên 30 triệu theo thời giá.
Ông Tito cũng không phải là người xa lạ với ngành không gian. Ông từng là kỹ sư ở Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của NASA, và say mê không gian từ thuở niên thiếu. “Ước mơ của tôi là được bay lên không gian trước khi chết. Tôi đã có mục đích đó vào khoảng thời điểm chuyến bay của Yuri Gararin.”
Gagarin, vũ trụ gia của Nga, người đầu tiên lên không gian, lên được phi thuyền Vostok 1 phóng lên ngày 12 tháng 4 năm 1961.
“Tranh thủ” lúc chương trình không gian của Nga hết tiền, ông “mua” được một ghế trên phi thuyền Soyuz trong chuyến lên trạm không gian quốc tế ISS năm 2001, lúc ông được 60 tuổi.
Đúng ra, ông đã bay trước đó, lên trạm MIR của Nga một năm trước, nhưng trạm này quá cũ kỹ và đang được Nga cho về hưu.
NASA và các nước thành viên của chương trình ISS phản đối vì lo ngại về tuổi tác và khả năng của Tito. Họ sợ ông trở thành gánh nặng cho chương trình, cho hoạt động và cho các phi hành gia. Họ cũng sợ nếu ông lên chầu trời luôn trong lúc ở trên trạm thì không biết phải làm thế nào.
Nhưng ông Tito kiên quyết, và Nga cần tiền. Thế mà ông cũng đã phải mất gần một năm trời ở Star City, khu vực huấn luyện các vũ trụ gia của Nga.Ngày 28 tháng 4 năm 2001, Dennis Tito trở thành người thứ 415 bay vào không gian.
Sự kiên trì và hai mươi triệu của Dennis Tito dem lại cho ông một chuyến bay, 6 ngày trên trạm ISS và hạ cánh an toàn ở Kazakhstan ngày 6 tháng 5, 2001.
Ước mơ của Dennis Tito thành tựu được cũng là nhờ công lao móc nối của Space Adventures Inc, một công ty du lịch không gian của Mỹ được thành lập vào năm 1998.
Bảy người khác cũng đã nhờ công ty này sắp xếp để đã lên trời chơi. Nói đùa thôi, đi chơi chỉ là một phần của lý do, phần lớn các vị này lên trời có việc.
Richard Garrriot, mùa Thu năm 2008, 12 ngày: Garriot là một nhà thiết kế và thảo trình video game. Ông này có cha là một phi hành gia của NASA. Ông bay lên trạm ISS mùa Thu năm 2008. Chuyến đi 12 ngày trị giá 30 triệu đô la. Đáng lẽ ra ông đi trước Tito. Garriot đã đầu tư vào Space Adventures, và mua vé để trở thành người đầu tiên. Tuy nhiên, do cuộc khủng hoảng tài chánh khi bong bóng công nghệ (dot-com bubble) nổ năm 2001 ông đã phải bán lại ghế này cho Dennis Tito.
Anousheh Ansari (Mỹ gốc Iran), Tháng 6 2006, 9 ngày: khách hàng phụ nữ đầu tiên của SpaceAdventures là một kỹ sư người Mỹ gốc Iran, đồng sáng lập kiêm chủ tịch của Prodea Systems. Trong chín ngày của tháng 6 năm 2006 trên Trạm ISS, bà Ansari đã thực hiện nhiều thí nghiệm cho Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA).
Dr. Greg Olson, Tháng 10, 2005, 9 ngày. Olsen là đồng sáng lập và chủ tịch của Sensors Unlimited Inc., một công ty phát triển các thiết bị quang điện tử như camera nhạy mức sóng gần hồng ngoại (NIR) và hồng ngoại sóng ngắn (SWIR) mà một trong những khách hàng chính là NASA. Ông đã tiến hành nhiều thí nghiệm về viễn thám và thiên văn khi ở trên trạm ISS.
Mark Shuttleworth, Tháng 4, 2002, 8 ngày: Mark Richard Shuttleworth, một doanh nhân người Anh gốc Nam Phi, là người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Canonical, công ty đứng sau sự phát triển của hệ điều hành Ubuntu dựa trên Linux. Chuyến bay hao 20 triệu đô.
Guy laliberté, tháng 9, 2009, 11 ngày: Nhà tỷ phú Laliberte là Chủ tịch của công ty xiếc Cirque du Soleil, người giàu thứ 11 ở Canada (theo Forbes, 2018).
Dr. Charles Simonyi, Tháng 4 2007 và tháng 3 2009: Tiến sĩ Charles Simonyi là nhà kiến trúc nhu liệu Mỹ gốc Hungary, người khởi nghiệp với những phiên bản đầu tiên của Microsoft Office Suite ở Microsoft. Theo tạp chí Forbes, vào năm 2021 ông là người Hungary giàu thứ ba trên thế giới với khối tài sản 5 tỷ Mỹ kim. Tiến sĩ Simonyi bay hai lần, lần thứ nhất tháng 4 năm 2007, bay trên tàu Soyuz TMA-10 và chuyến thứ hai, tháng 3 năm 2009, được tàu Soyuz TMA-14 đưa lên Trạm ISS.
Vừa có thêm một nhân vật nữa, ông Yusaku Maezawa cũng đã được Space Adventures sắp xếp để lên không gian vào tháng 12 năm nay. Trong 8 ngày trên trạm ISS, ông Nhật bản này sẽ “chia sẻ” trải nghiệm đời sống trên không gian với cả thế giới qua Youtube.
Nếu thấy không kham nổi giá vé của các chương trình nói trên (nhiều triệu đô la Mỹ), bạn có thể mua vé đi xem phóng hỏa tiễn, phi thuyền cho đỡ ghiền vậy, Space Adventures có các “gói” dịch vụ đó.
Liên lạc để hỏi thêm chi tiết: https://spaceadventures.com/contact/
Còn không nữa, hãy tham dự cuộc rút thăm đi vào không gian mà Branson vừa công bố. Virgin Galactic sẽ tặng hai vé bay cho cuộc thăm trúng thưởng với nền tảng gây quỹ từ thiện Omaze
Theo Omaze, không cần phải đóng góp hay mua món gì cả. Cứ tham dự, tổ chức bất vụ lợi Space for Humanity sẽ tìm cách “dân chủ hóa không gian và gửi các phi hành gia công dân có nguồn gốc đa dạng về chủng tộc, kinh tế và ngành nghề lên không gian”. (Nhưng nếu đóng góp thì sẽ được nhiều thăm hơn. Tặng 13 đô Mỹ cho Charities Aid Foundation America (CAF), tổ chức từ thiện này sau đó sẽ chuyển tiền cho Space for Humanity, người dự cuộc rút thăm sẽ được 100 thăm, 129 đô được 2 ngàn thăm.)
Xem chi tiết ở đây: omaze.com/products/virgin-galactic-2021?ref=space
Nhưng phải nhanh lên, sự kiện này sẽ khóa sổ ngày 1 tháng 9 năm 2021. Tên tuổi hai người may mắn tới số lên trời sẽ được công bố cuối tháng 9.
Đỗ Quân