Tám tỷ con người, càng đông càng vui?

Phố phường chật hẹp người đông đúc

Bồng bế nhau lên nó ở non

Hơn trăm năm trước, Cụ Trần Tế Xương đã tiên đoán rằng Trái đất sẽ thiếu chỗ cho con người.

Cụ đoán rất đúng về chuyện người đông. Đầu thế kỷ 20, thời của cụ, thế giới có chừng 2 tỷ người. Đến cuối thế kỷ 20 là 6 tỷ (1999), tức là mất 100 năm để có thể thêm được 4 tỷ người nữa. Nhưng vào thiên niên kỷ thứ ba, chỉ mất có 12 năm để tăng thêm một tỷ vào năm 2011 và 11 năm nữa để có thêm 2 tỷ nữa. 

Hôm 15 tháng 11, Ngày Dân số Thế giới, Liên hiệp quốc công bố hiện số người sinh sống trên Trái đất đã là 8 tỷ người. 

Như những dịp đánh dấu cột mốc dân số trước đây, một em bé ra đời vào hôm thứ Ba 15 tháng 11 năm 2022 ở Cộng hòa Dominican đã được chọn làm người thứ 8 tỷ của nhân loại.

Đếm người 

Liên hiệp quốc đã đưa ra các dự báo dân số từ năm 1950. Theo nhà nghiên cứu Nico Keilman, người đã theo dõi các bản sửa đổi và hiệu chỉnh những dự báo đó đã nhận thấy rằng LHQ đã tiến dần đến độ chính xác đáng khen qua các dự đoán dân số. 

Ước tính của LHQ về dân số thế giới vào năm 1990, được công bố vào năm 1950, có sai số đến khoảng 12%. Đến năm 1960, những ước tính đó chỉ chênh lệch khoảng 2%. Kể từ đó, Liên hợp quốc đã chốt tỷ lệ tăng dân số toàn cầu khá chính xác

Dự đoán của LHQ hiện nay là dân số thế giới sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2100, khi đạt đến mức đỉnh 11,2 tỷ người và sau đó bắt đầu giảm.

Tuy nhiên, có một số nhà phân tích khác đã lập luận rằng mức sinh trên thực tế sẽ giảm đáng kể hơn so với ước tính của LHQ ngay cả trong “các kịch bản mức sinh thấp”. Học giả người Na Uy Jorgan Randers, một nhà nghiên cứu về chiến lược khí hậu, quả quyết: “Dân số thế giới sẽ không bao giờ đạt đến chín tỷ người. “Nó sẽ đạt đỉnh 8 tỷ vào năm 2040, và sau đó sẽ giảm.”

 

Nhân mãn?

Thomas Malthus mở đầu tác phẩm nổi tiếng “An Essay on the Principle of Population” (Luận về Nguyên tắc dân số), xuất bản năm 1798, với hai nhận xét quan trọng về con người: một là tất cả mọi người cần ăn, và hai là người ta thích quan hệ tình dục. 

Tác giả, một giáo sĩ, học giả và kinh tế gia người Anh bi quan, kết luận rằng hai yếu tố này cuối cùng sẽ đưa đến tình trạng nhu cầu của nhân loại vượt xa nguồn cung cấp của Trái đất.

Malthus viết: “Dân số, khi không được kiểm soát, sẽ tăng theo cấp số nhân. Phương tiện sinh sống chỉ tăng theo cấp số cộng…”  Ông lý luận rằng trong điều kiện thuận lợi, dân số, nếu tăng theo cấp số nhân sẽ đạt số lượng gấp đôi sau 20-25 năm, còn sản xuất thực phẩm và đồ tiêu dùng cần thiết chỉ tăng theo cấp số cộng. Khi đó, do bùng nổ dân số, nghèo đói sẽ đe dọa vận mệnh toàn nhân loại. 

Vào thời của Malthus, thế giới mới chỉ có chừng 800 triệu người.

Chẳng cần phải giỏi toán hay kinh tế học, người ta cũng hiểu ngay rằng đây là một lời báo động đáng sợ. 

Lập luận của Malthus thuyết phục được cả Charles Darwin, cha đẻ của thuyết tiến hóa lừng danh.  Trong tác phẩm the Origin of Species (Nguồn gốc muôn loài), Darwin viết rằng nếu không thể có cách làm tăng thực phẩm và không thể kiềm chế hôn phối thì…Trái đất không thể chứa hết” (Darwin 1859).

Darwin cho rằng đấu tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên chính là biện pháp kiểm soát để giữ cho các quần thể sinh vật không sinh sôi nảy nở quá mức.

Trong nhiều thập niên, xã hội đã hoảng hốt vì thuyết của Malthus. 

Mức tăng trưởng dân số thế giới theo từng vùng (màu nhạt 2017, màu đậm 2100). Đồ họa: Iberdrola

Đến hậu bán thế kỷ 20, khi Giáo sư Paul Ehrlich, một giáo sư trường Đại học Stanford và vợ, bà Anne Ehrlich cho xuất bản quyển “The Population Bomb” (Quả bom dân số) cuốn sách bán chạy nhất năm 1968, nỗi lo sợ về tình trạng Trái đất quá đông người – nhân mãn, lại bùng lên.

Ý tưởng cho tác phẩm của ông bà Ehrlich đến từ một buổi tối tại thành phố Dehli của Ấn độ. Đêm hôm đó, trên đường trở về khách sạn bằng taxi, họ đi qua một khu ổ chuột và kinh hoàng với lượng hoạt động của con người trên đường phố. Cách mà họ viết về trải nghiệm này đã bị chỉ trích nặng nề – đặc biệt là vì dân số của London vào thời điểm đó gấp đôi Delhi!

Gần đây hơn, nhà văn viết chuyện giả tưởng nổi tiếng Dan Brown –trong tiểu thuyết giả tưởng “Inferno” cũng lại đề cập đến vấn đề nhân mãn dựa trên thuyết của Malthus, và cũng lại đề cập một cách tiêu cực của…tiểu thuyết. 

Trong Inferno, Dan Brown đã dựa trên thuyết nhân mãn của Malthus cùng với những số liệu thực nhưng “không cập nhật” để cổ động có vẻ hợp lý cho biện pháp kiểm soát dân số một cách cực đoan.

Nhưng với quần thể loài người, nhờ những tiến bộ kỹ thuật đã kiểm soát ngược lại tự nhiên (như khống chế bệnh tật) “giúp” cho dân số tăng không ngừng. Những người theo thuyết nhân mãn cho rằng đây chính là gốc rễ của các vấn đề như ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính, cạn kiệt tài nguyên, đói nghèo…

Nhưng cái lo không chỉ là “chỗ đâu mà ở” mà là “lấy gì mà ăn”, thậm chí “không khí đâu mà thở”.

Trong “The Population Bomb”, giáo sư Paul Ehrlich đã viết: “Vào thập niên 1970, hàng trăm triệu người sẽ chết đói” vì dân số quá đông. (Các ấn bản sau đó đã sửa đổi câu thành “Vào thập niên 1980”.)

Hai vợ chồng Giáo sư Erlich viết quyển sách vì lo ngại về nạn đói mà họ tin rằng sẽ đến không chỉ cho những người ở các nước đang phát triển – và còn cả ở những nơi như Mỹ, nơi mọi người bắt đầu nhận thấy tác động của họ đối với môi trường. 

Bao nhiêu là đủ?

Đề tài nhân loại ngày càng đông hơn đã được nhìn theo hai hướng.

Người giàu nhất nhì thế giới, chủ tập đoàn Amazon, tỷ phú Jeff Bezos, đã coi sự gia tăng dân số là một thành công lớn. Ông dự đoán rằng trong tương lai, loài người sẽ động đến 1000 tỷ (one trillion people). Nhưng họ không chỉ sống ở Trái đất mà còn sẽ rải rác trên các hành tinh khác của Thái dương hệ. Bezos khoe rằng ông ta đang nỗ lực giúp vào công trình này. (Cùng với Jeff Bezos còn có Elon Musk, người đã làm gương trong việc giúp cho nhân loại thêm đông bằng cách có con với nhiều bạn gái. Ông này cũng lo đến việc đưa người lên các hành tinh khác).

 

Tóm tắt Phúc trình Dân số Thế giới 2022

1. Dân số thế giới tiếp tục tăng, trong khi tỷ lệ tăng trưởng giữa các khu vực khác nhau rất nhiều. Dân số của châu Phi cận Sahara được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2050 trong khi dân số của châu Âu và Bắc Mỹ cộng chung sẽ chỉ tăng 0,4%.

2. Tám quốc gia chiếm hơn một nửa mức tăng dân số dự kiến ​​từ nay đến năm 2050. Cộng hòa nhân dân  Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania. Ấn Độ dự kiến ​​sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023.

3. Nhìn chung, phụ nữ sinh ít con hơn, nhưng tỷ lệ sinh ở một số nơi trên thế giới vẫn cao. Ngày nay, 2/3 dân số thế giới sống ở một quốc gia hoặc khu vực có mức sinh dưới 2,1 lần sinh mỗi phụ nữ. Tỷ lệ sinh toàn cầu, đã giảm từ 3,3 ca sinh trên một phụ nữ vào năm 1990 xuống còn 2,3 ca vào năm 2021, dự kiến ​​sẽ giảm tiếp, xuống mức 2,1 vào năm 2050.

4. Con người đang sống lâu hơn, nhưng tuổi thọ ở các nước nghèo nhất vẫn thấp hơn 7 năm so với mức trung bình toàn cầu. Tuổi thọ trung bình trên toàn cầu, tăng từ 64,0 tuổi năm 1990 lên 72,8 tuổi năm 2019, dự kiến ​​sẽ tăng lên đến 77,2 tuổi vào năm 2050. 

5. Dân số thế giới đang già đi và những người trên 65 tuổi là nhóm tuổi phát triển nhanh nhất. Đến năm 2050, 1/6 dân số thế giới sẽ trên 65 tuổi (16%), tăng so với 1/10 vào năm 2022 (10%). Đến năm 2050, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ gấp đôi số trẻ em dưới 5 tuổi và tương đương với số trẻ em dưới 12 tuổi. Số người từ 80 tuổi trở lên được dự báo sẽ tăng từ 157 triệu vào năm 2022 lên 459 triệu vào năm 2050.

6. Ngày càng có thêm nhiều quốc gia đang giảm dân số, nguyên nhân do mức sinh thấp và một số trường hợp do di cư. Từ năm 2022 đến năm 2050, dân số của 61 quốc gia hoặc khu vực dự kiến ​​sẽ giảm ít nhất 1%; một nửa trong số đó có thể giảm ít nhất 10%. Từ 2022 đến 2050, dân số Trung Quốc sẽ giảm 110 triệu người, gần 8%.

7. Di cư đã trở thành một yếu tố chính của sự thay đổi dân số ở một số quốc gia. Từ 2000 đến 2020, số lượng người nhập cư mà các quốc gia có thu nhập cao nhận được đã vượt quá mức tăng tự nhiên ròng (số sinh trừ số tử) của các quốc gia đó. Nhu cầu lực lượng lao động ở các quốc gia có thu nhập cao dẫn đến một số phong trào di cư lớn nhất (từ Bangladesh, Nepal và Sri Lanka) trong khi các cuộc xung đột vũ trang bạo lực (ở Syria, Venezuela và Myanmar) là nguyên nhân của những phong trào di cư lớn khác.

INED & the United Nations Population Division

 

Tỷ lệ dân số thế giới. Đồ họa: Wikimedia

Trong khi đó, những người khác, trong số đó có nhà báo và nhà sử học tự nhiên, Sir David Attenborough – đã coi số lượng người đông đảo là một “bệnh dịch trên Trái đất”. Theo quan điểm này, gần như mọi vấn đề môi trường mà chúng ta đang phải đối mặt, từ biến đổi khí hậu đến mất sự đa dạng sinh học, thiếu nước và xung đột về đất đai, đều có thể bắt nguồn từ việc sinh đẻ vô kế hoạch của chúng ta những thế kỷ gần đây. Hồi năm 1994 – khi dân số toàn cầu mới chỉ có 5,5 tỷ người – một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford, California, đã tính toán rằng con số lý tưởng của loài chúng ta là từ 1,5 đến 2 tỷ người.

Có còn tăng nữa hay không?

Hồi năm 1679, nhà khoa học Antoni van Leeuwenhoek và là người phát minh ra kính hiển vi, đã dự đoán rằng Trái đất có thể chịu nổi 13,4 tỷ người. (van Leeuwenhoek tính như thế này: Hòa lan chiếm 1 phần 13.400 diện tích đất sống được (habitable) của Trái đất, và dân số Hòa lan là 1 triệu người. Vậy chỉ cần nhân con số người Hòa lan với 13.400.)

Cách tính và con số của van Leeuwenhoek chỉ là một. Sau hơn 40 năm nghiên cứu, Giáo sư Joel E. Cohen, môn Quần thể (Populations) tại Đại học Rockefeller và Đại học Columbia ở Thành phố New York đã thu thập được 65 ước tính với các con số rất khác nhau – từ 1 tỷ đến hơn 1 ngàn tỷ người. Ông nhận định rằng “Sự phân tán trong ước tính về số người mà Trái đất có thể gánh được sẽ tăng lên theo thời gian.”  Điều này có nghĩa là người ta có những ý kiến khác nhau về số lượng người mà hành tinh của chúng ta có thể chịu nổi.

“Khả năng chuyên chở” (carrying capacity) là thuật ngữ được các kỹ sư sử dụng để chỉ lượng hàng hóa mà một con tàu có thể chứa. Khái niệm này nay được áp dụng vào sinh thái học để mô tả quần thể tối đa của một loài mà một môi trường sống nhất định có thể cưu mang nổi. Theo Giáo sư Cohen, trong một môi trường sống, một quần thể sẽ duy trì ổn định nếu tỷ lệ sinh và tử bằng nhau, nhưng những thay đổi về môi trường, chẳng hạn như ô nhiễm hoặc bệnh tật, có thể làm tăng hoặc giảm khả năng mang của môi trường sống. 

Như Cohen đã giải thích, khi nói đến dân số loài người, “khả năng chuyên chở phụ thuộc vào cả những ràng buộc tự nhiên và sự lựa chọn của con người.” Những hạn chế về tự nhiên bao gồm sự khan hiếm lương thực và môi trường khắc nghiệt. Các lựa chọn của con người bao gồm các tương tác giữa kinh tế và văn hóa, chẳng hạn như cách chúng ta sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, cũng như tỷ lệ sinh, tuổi thọ trung bình và di cư.

“Tương lai của dân số thế giới được điều khiển bởi sự kết hợp giữa sinh tồn và sinh sản”, Patrick Gerland tại Bộ phận Dân số Liên hiệp quốc thành phố New York, nói với tạp chí mạn g Live Science: “Nếu bạn có tỷ lệ hai con trên một cặp vợ chồng, thì bạn có thể tiếp tục duy trì một quy mô dân số khá ổn định. Khi bạn đạt đến một con số nhỏ hơn hai, từ thế hệ này sang thế hệ khác, dân số của bạn sẽ thu hẹp lại, hoặc suy giảm. Nếu bạn ở trên mức đó và phần lớn mọi người sống sót, thì dân số của bạn sẽ tăng lên.”

Ông Gerland giải thích, «Vào phút này, sự đồng thuận của giới khoa học là dân số thế giới sẽ đạt mức cao nhất vào cuối thế kỷ này” nhưng ông nhấn mạnh rằng các nhà nhân khẩu học càng nhìn vào tương lai, thì những dự đoán của họ càng trở thành các suy đoán và không chắc chắn hơn.

Thành phố Lagos, Nigeria. Photo: Akintunde Akinleye/REUTERS

Số người mà Trái đất có thể gánh nổi không phải là một con số cố định. Cách con người sản xuất và tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên ảnh hưởng đến cách mà môi trường của chúng ta có thể duy trì các quần thể trong tương lai: “Khi nói đến khả năng chuyên chở, đó là vấn đề của phương thức sản xuất, phương thức tiêu dùng, ai có thể tiếp cận cái gì và bằng cách nào.”

Trở lại với cụ Tú Xương. Trong khi những người bi quan – như cụ, sợ rằng cứ cái đà tăng này, chỗ đâu để mà ở, những con số dự phóng của LHQ cho rằng sẽ không có chuyện tăng ghê rợn đến mức đó đâu. 

Đúng là do “có chúc con” sinh năm đẻ bảy” như cụ đã nói. Phải đẻ nhiều thì mới đông nhanh. Nhưng sự phát triển dân số chỉ gia tăng mạnh trong thời cụ, tức là trong hơn một nửa đầu của thế kỷ 20.

Ở thời của cụ, mức tăng trưởng dân số là 1.88. Mức này tăng dần đến 1969, 2.09% rồi tà tà tuột xuống. Từ 1974, mức tăng trưởng dân số đã giảm xuống dưới 2%.

Theo dự báo của LHQ thì đến khoảng giữa thập niên 2080, dân số thế giới sẽ là 10.4 tỷ và sẽ khựng lại ở đó cho đến năm 2010. Sau đó thì…chưa biết.

LHQ cũng ghi nhận dân số đang giảm trên toàn thế giới, và dự đoán đến năm 2050 sẽ có sự giảm sụt ít nhất một phần trăm dân số ở hàng chục quốc gia.

Phúc trình của LHQ về dân số thế giới cũng cho thấy vào năm 2021, tỷ lệ sinh trung bình trên toàn cầu là 2,3 lần sinh trên một phụ nữ, giảm từ 5 lần sinh cho mỗi phụ nữ vào năm 1950. Tỷ lệ đó được dự báo sẽ giảm xuống 2,1 vào năm 2050. 

Càng đông càng vui hay đông vui hao?

Gia tăng dân số toàn cầu có những mặt tích cực đối với sự phát triển của xã hội, nhưng cũng có những tác động tiêu cực đến hành tinh. 

Những tác động nổi bật nhất là về các mặt:

Biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu mà nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp là do hoạt động của con người. Do đó, càng nhiều người, tác động càng lớn. Đây là nguồn phát sinh các khí thải nhà kính, tích tụ trong khí quyển và giữ nhiệt, làm tăng hiệu ứng nhà kính và góp phần làm tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu.

An ninh lương thực: Sự bùng nổ dân số ảnh hưởng đến các nguyên tắc căn bản của an ninh lương thực, tức là tính sẵn có, tính ổn định, khả năng tiếp cận và tiêu dùng.

Mất đa dạng sinh học: Mất đa dạng sinh học đề cập đến sự suy giảm hoặc biến mất của đa dạng sinh học, được hiểu là sự đa dạng của các sinh vật sống trên hành tinh. Sự gia tăng dân số tác động đến đa dạng sinh học qua sự gia tăng hoạt động của con người và sự hiện diện của những thứ nhân tạo trong tự nhiên.

Khai thác tài nguyên: Con người đang làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên của hành tinh này. Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF) cảnh báo: việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên hiện nay đang gây ra thâm hụt lớn, vì mỗi năm con người tiêu thụ nhiều hơn 20% so với mức thiên nhiên có thể tái tạo và tỷ lệ này đang tăng dần. 

(nguồn: Iberdrola)

Darrel Bricker, Giám đốc điều hành tại Ipsos Public Affairs, một học giả của Trường Munk về Các vấn đề Toàn cầu và Chính sách Công của Đại học Toronto, đồng tác giả quyển “The Empty Planet: The Shock of Global Population Decline” (Hành tinh trống vắng: Cú sốc của sự suy giảm dân số toàn cầu) không đồng ý. Ông cho rằng đến cuối thế kỷ này, dân số thế giới sẽ ở đâu đó giữa khoảng 8 đến 9 tỷ người. Và sau đó sẽ là đi xuống.  

Theo Bicker, sự sụt giảm sinh suất đã được thấy ở tất cả mọi nơi, kể cả những nơi trước nay có mức này cao. Rõ ràng, và nặng nhất, là ở hai quốc gia đông dân, chiếm 35% dân số toàn cầu. Số trẻ ra đời ở đó đã không đủ để bù cho số người mất đi.

Chẳng cần phải nhìn đâu xa mới thấy sự sụt giảm trong gia tăng dân số. Ở Canada, tốc độ tăng hàng năm đã giảm từ khoảng 3% vào cuối thập niên 1950 xuống còn khoảng 0,7% vào năm 2020. Tại Hoa Kỳ, con số này đã giảm từ hơn 2% vào cuối thập niên 1950 còn khoảng 0,2% vào năm 2020.

Châu Phi, nơi có mức sinh sản cao, cũng đang giảm. Từ năm 1950 đến 1980, Lục địa đen có khoảng 6,5 ca sinh sống (live birth) trên mỗi phụ nữ. Hiện nay con số này khoảng 4,4 ca sinh sống trên một phụ nữ. 

Hai trong số những thí dụ lớn nhất là ở hai trong số các quốc gia đông dân nhất: Trung Quốc và Ấn Độ.

Trung Quốc có dân số khoảng 1,4 tỷ người; Ấn Độ, thấp hơn một chút. Nhưng tỷ lệ sinh ở cả hai quốc gia đều giảm.

Ở không ít quốc gia còn có hiện tượng dân số đang bị lão hóa do con người ngày càng thọ. Năm 2019, tuổi thọ là 72,8 tuổi trên toàn cầu, gia tăng gần 9 năm so với tuổi thọ năm 1990. LHQ dự kiến ​​con số này sẽ tăng lên khoảng 77,2 tuổi vào năm 2050.

Những mối lo không chỉ về con số

New York City là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới. Trong ảnh là khu Manhattan. Photo: Getty Images

Điều quan trọng hơn là làm sao để tài nguyên của Trái đất – mà người ta biết rõ là chỉ có hạn, đủ để nuôi bao nhiêu người.  

Nói cách khác, có thể có một giới hạn trên về số lượng con người mà Trái đất có thể nuôi nổi, nhưng chúng ta không biết chính xác con số đó là bao nhiêu. Giới hạn này thay đổi dựa trên cách chúng ta sản xuất, tiêu thụ và quản lý tài nguyên của mình. Đối với Cohen, nếu chúng ta muốn ảnh hưởng đến việc Trái đất có thể gồng gánh nổi bao nhiêu người, chúng ta sẽ cần quyết định “bao nhiêu người muốn những con báo đốm có bốn bánh (ám chỉ những chiếc xe Jaguar đắt tiền) và bao nhiêu người muốn các con báo đốm (jaguar) có bốn chân.”

Ngày nay, ý tưởng rằng con người đang gây ra sự căng thẳng không bền vững đối với các nguồn tài nguyên hữu hạn của thế giới đã được nhiều người chia sẻ. Người ta đã đặt ra ngày “Earth overshoot day” (Ngày xài lố tài nguyên của Trái đất). Đây là ngày trong năm đó mà loài người được ước tính là đã sử dụng hết tất cả các nguồn tài nguyên sinh học mà hành tinh có thể phát triển tái sinh một cách bền vững của năm đó. Mỗi năm, ngày này cứ đến nhanh dần. Năm 2010, nó rơi vào ngày 8 tháng 8 đến năm nay, đó là ngày 28 tháng Bảy.

Như mạng The World Count đã khẳng định, Trái đất đang và sẽ không thể kham nổi nếu dân số tiếp tục phát triển và tiếp tục tiêu thụ tài nguyên một cách phí phạm và sản xuất rác thải nhiều khủng khiếp như hiện nay.  

Nếu tưởng tượng 4.5 tỷ năm lịch sử của Trái đất được nén lại thành 365 ngày thì con người hiện đại mới chỉ có mặt được 37 phút và đã tiêu thụ hết một phần ba tài nguyên thiên nhiên trong 0.2 giây vừa qua!

Chúng ta đã khai thác quá mức 75% khả năng sinh học của Trái đất. Nói cách khác, nhân loại đã dùng tương đương 1,75 Trái đất để cung cấp tài nguyên thiên nhiên cho chúng ta tiêu thụ và hấp thụ chất thải của chúng ta.

Đỗ Quân (tổng hợp)

Tin tức khác...